Cơ quan nào lập hồ sơ xác nhận thương binh?

Ông Nguyễn Hồng Sơn - Tỉnh Quảng Nam hỏi: Tôi sinh năm 1928, khi đi du kích khai sinh năm 1924. Năm 1953, tôi bị thương, sau đó tập kết ra Bắc. Năm 1990, tôi về quê Quảng Nam, được thủ trưởng đơn vị và đồng đội xác nhận bị thương, cán bộ xã xác nhận đầy đủ hồ sơ và gửi lên huyện. Tuy nhiên, hồ sơ của tôi bị trả về với lý do không đủ giấy tờ và cần bổ sung giấy ra viện; giấy xác nhận công chức. Sau nhiều lần làm lại hồ sơ, nay trường hợp của tôi vẫn chưa được giải quyết do không thống nhất về năm sinh. Vậy, hồ sơ đề nghị xác nhận thương binh của tôi có làm được không? Nếu được thì phải làm thế nào?

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời vấn đề này như sau:

Theo quy định tại Điều 28 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ, cơ quan, tổ chức, đơn vị, chính quyền địa phương có người bị thương có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị xác nhận thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Người bị thương là quân nhân, công nhân viên quốc phòng do Thủ trưởng Trung đoàn hoặc cấp tương đương trở lên cấp giấy chứng nhận bị thương.

Theo nội dung đơn trình bày, ông Nguyễn Hồng Sơn bị thương năm 1953 khi tham gia lực lượng quân đội do cơ quan quân đội lập hồ sơ, cấp giấy chứng nhận bị thương đề nghị xác nhận thương binh.

Do vậy, đề nghị ông gửi đơn đến Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng để được xem xét.

 

Theo molisa.gov.vn